Trong nhiều năm gần đây, nhu cầu cho con cái đi học tiếng Anh của các bậc phụ huynh Việt Nam đã không ngừng gia tăng, một thực tế được minh chứng qua sự ‘nở rộ’ số lượng các trung tâm cũng như lớp học Anh ngữ trên thị trường. Tiếng Anh trở thành một môn “không thể không học” trong danh sách của các con. Tuy nhiên, độ tuổi nào được coi là lý tưởng để bắt đầu học môn ngoại ngữ này? Có phải học khi càng nhỏ thì càng tốt? Trên thực tế, nhiều bậc phụ huynh đang mắc phải những hiểu lầm cơ bản về việc cho con học tiếng Anh càng sớm càng tốt.

 

Trẻ học song ngữ # trẻ học ngoại ngữ

Hiểu lầm cơ bản nhất của các bậc phụ huynh là ‘đánh đồng’ hiện tượng song ngữ tự nhiên của trẻ với việc học tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai. Nếu bạn đã là cha là mẹ, hẳn bạn đã có những phút giây trầm trồ trước một đứa bé có thể nói sõi hai thứ ngôn ngữ dù độ tuổi còn rất nhỏ, và thầm mong con mình cũng được như vậy? Tuy nhiên, bạn cần phân biệt rõ giữa song ngữ tự nhiên (tức hiện tượng bé có thể nói hai thứ tiếng cùng lúc, chủ yếu do bố mẹ nói hai thứ tiếng khác nhau, hoặc được đưa đi di cư nước ngoài từ khi rất nhỏ) và việc nói tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai (bé được tiếp xúc với tiếng Anh chỉ qua trường, lớp). Trong hai trường hợp này, mức độ tiếp xúc hàng ngày với ngôn ngữ thứ hai là rất chênh lệch, dẫn tới việc mặc dù được học từ rất sớm như độ tuổi dưới 3, bé có thể vẫn không hề vượt trội so với các bé bắt đầu học tiếng Anh muộn hơn.

Trẻ học song ngữ # trẻ học ngoại ngữ

 

Ngôn ngữ thứ nhất chưa phát triển hoàn chỉnh

Cho con học tiếng Anh quá sớm có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình hoàn thiện sự phát triển của tiếng mẹ đẻ. Đây là một băn khoăn của rất nhiều các bậc phụ huynh, và các nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy, mối lo lắng này hoàn toàn có cơ sở. Mặc dù trẻ em có thể tiếp thu mọi thứ nhanh và dễ dàng ‘như bọt biển hút nước’, điều này không có nghĩa là các bé sẽ không gặp khó khăn gì khi phải bắt đầu xử lý ngôn ngữ thứ hai trong khi vẫn đang trong quá trình tiếp thu ngôn ngữ thứ nhất. Theo đó, các chuyên gia khuyến nghị rằng, sẽ là tốt nhất khi để các bé nắm bắt và hiểu toàn diện một ngôn ngữ trước khi tiếp xúc với một ngôn ngữ khác. Cho bé học tiếng Anh nói riêng và ngoại ngữ nói chung quá sớm có thể dẫn tới việc bé bị lẫn lộn về mặt ngôn ngữ và không biết cách biểu đạt chính xác.

Ngôn ngữ thứ nhất chưa phát triển hoàn chỉnh

 

Tuổi bắt đầu học tiếng Anh không quá quan trọng

Theo phân tích của các giáo viên tiếng Anh, có rất nhiều yếu tố chi phối trình độ sử dụng tiếng Anh của một người trong tương lai, và, rất đáng ngạc nhiên, độ tuổi bắt đầu học không hẳn là quá quan trọng. Một học sinh có thể bắt đầu học tiếng Anh từ năm lên 8 nhưng vẫn vượt trội hơn hẳn so với một học sinh khác đã bắt đầu học từ năm lên 3. Kinh nghiệm đúc kết cho thấy, môi trường học tập, động lực và sự yêu thích, cũng như chất lượng giảng dạy lại là các yếu tố ảnh hưởng nhiều hơn cả. Ngoài ra, mỗi một độ tuổi sẽ hình thành cách thức tiếp cận ngôn ngữ khác nhau. Ở độ tuổi mẫu giáo và tiểu học, các bé sẽ tiếp cận tiếng Anh một cách tự nhiên bằng cách lặp đi lặp lại và chắp nối hình ảnh, trong khi các lứa tuổi lớn hơn lại tiếp cận một cách có hệ thống thông qua các yếu tố ngữ pháp. Mỗi một độ tuổi đều có điểm mạnh và điểm yếu, và quả thực sẽ là quá vội vàng nếu cho rằng học sớm chắc chắn sẽ mang lại kết quả tuyệt vời cho bé.

Tuổi bắt đầu học tiếng Anh không quá quan trọng

 

Cho bé tiếp xúc với tiếng Anh khi còn nhỏ quả thực vẫn là một điều tốt, đặc biệt là về mặt phát âm. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cũng nên xác định tâm lý thực tế và hiểu rằng, bắt đầu sớm không có nghĩa là con cái mình đã cầm chắc tấm bằng tiếng Anh hoàn hảo ngang người bản ngữ. Hãy cho bé thử nghiệm và để bé bắt đầu khi sẵn sàng, hãy để việc học tiếng Anh trở thành một niềm yêu thích, và hãy luôn ở bên cạnh để khích lệ cũng như mang lại động lực cho bé khi đương đầu với thứ ngôn ngữ thứ hai này.