Học ngoại ngữ chắc chắn không dành cho người nhút nhát. Tôi phải thú nhận rằng đôi khi tôi cũng khá nhút nhát, nhất là khi tôi cố gắng nói tiếng Tây Ban Nha trước những người khác. Như tôi đã trao đổi trong những bài viết khác, bạn cũng không nên quá cứng nhắc với bản thân khi bạn học một ngoại ngữ. Cũng KHÔNG SAO nếu bạn nghỉ giải lao khi cần, tự cho mình có những điểm không hoàn hảo, và than phiền khi cảm thấy học ngôn ngữ đó quá khó thì cũng chẳng sao cả (tin tôi đi, tôi ca cẩm suốt ngày ấy mà!).
Hiện tôi đang tuần thứ 10 trong Thử thách 90 ngày học tiếng Tây Ban Nha và tôi hoàn toàn chưa sẵn sàng để nói được tiếng Tây Ban Nha với ai. Việc này cũng giống như nhiều năm trước khi tôi học tiếng Anh. Tôi nhút nhát quá nên không nói chuyện được với mọi người và thường viết tiếng Anh trên những mẩu giấy ghi chú khi có ý tưởng nào đó. Tôi sợ mọi người sẽ cười khi thấy mình mắc lỗi khi nói. Cuối cùng khi tôi bắt đầu nói, thì có một số người cười tôi thật, nhưng tôi vẫn vượt qua được, cũng chẳng phải tận cùng của thế giới!
Bài học của câu chuyện này là dần dần tôi sẽ trở nên can đảm hơn. Tôi cần phải bước ra và nói chuyện với mọi người; tôi cần phải để cho mình bị tổn thương. Trên tất cả tôi cần phải hành động và quên đi sự e ngại của mình.
Sự e ngại chính là kẻ thù của ngôn ngữ và dần dần bạn (và tôi) sẽ cần phải bắt chuyện với mọi người. Nhưng cuối cùng nếu tôi không mạnh dạn hơn và bắt đầu nói chuyện bằng tiếng Tây Ban Nha thì tôi sẽ không bao giờ nói trôi chảy được. Kiểu gì thì tôi cũng cần phải mở miệng để nói. Tôi đã cố nghĩ ra nhiều cách để vượt qua sự ngại ngùng này.
Nhưng trước tiên chúng ta cùng nhận diện những dấu hiệu của sự ngại ngùng này:
– Bạn có cảm thấy nóng nực, bồn chồn và đổ mồ hôi khi nghĩ về việc nói bằng ngôn ngữ bạn đang học không?
– Tim của bạn có đập nhanh khi tất cả mọi người đều nhìn vào bạn không?
– Bạn có muốn bỏ chạy khỏi những tình huống như vậy không?
– Bạn có cảm thấy như thể mọi người nhìn bạn và sẽ đánh giá bạn không?
– Bạn có sợ mọi người trong phòng sẽ cười bạn không?
Nếu bất cứ câu nào ở trên mà đúng với bạn giống như tôi – thì bạn xong đời rồi! Tôi không đùa đâu! Nhưng sẽ rất tuyệt vời khi những người không được mạnh dạn như chúng ta vượt qua được cách suy nghĩ đó. Tôi hy vọng mình sẽ nói được tiếng Tây Ban Nha với người khác chứ không phải là tự nói với mình, vì thế tôi phải nghĩ ra những việc mà có thể giúp tôi thay đổi định kiến này.
Nghĩ khác
Cố gắng gọi tên cách bạn sẽ nhìn nhận bản thân trong những tình huống mà bạn phải nói bằng ngôn ngữ bạn đang học. Những từ kiểu nào sẽ xuất hiện trong đầu bạn? Xấu hổ? Lắp bắp? Thiếu vốn từ? Hoặc những từ tiêu cực khác. Nếu đây là cách bạn nhìn nhận tình huống kiểu này, thì hãy suy nghĩ lại và cần nghĩ về những mặt tích cực khi bạn nói lớn, ví dụ như cảm giác hoàn thành một việc gì đó.
Sự thật là cách đó không lâu bạn không thể nói ra được một câu, và mọi người sẽ nghĩ bạn thật dũng cảm khi đã cố gắng nói ngoại ngữ mình đang học. Nói cách khác là bạn cần có những suy nghĩ tích cực.
Kịch bản tệ nhất
Chuyện tồi tệ nhất có thể xảy ra nếu bạn nói rất tệ trước mọi người là gì? Chẳng có gì cả! Một số người có thể sẽ cười bạn, nhưng có sao đâu! Sẽ chẳng có ai coi thường bạn chỉ vì bạn đã cố gắng, hay vì phát âm ngôn ngữ bạn mới học chưa được chuẩn cả. Ngược lại, như tôi đã đề cập, người ta sẽ nghĩ bạn thật tuyệt vời khi cố gắng nói ngoại ngữ. (Và nếu họ là những người xấu tính – hãy bảo học nói câu gì đó bằng ngôn ngữ của bạn và cười họ nếu họ không nói được).
Hãy quan sát kỹ
Tại sao tôi lại ngại ngùng? Tại sao bạn lại ngại ngùng? Có phải vì bạn quan tâm quá nhiều vào việc người khác nghĩ bạn như thế nào? Điều này không chỉ áp dụng cho việc học ngoại ngữ, mà còn cho cả những việc khác trong cuộc đời của bạn nói chung; hãy quan tâm ít hơn về việc người khác nghĩ gì về bạn. Tôi đã phải mất rất lâu để có thể đạt tới việc quan tâm ít hơn (nhưng tôi vẫn nên quan tâm ít hơn nữa) về suy nghĩ của người khác về mình. Đây có thể là một trong những điều chịu tác động của tuổi tác, nên tôi nghĩ tôi sẽ nói to tiếng Tây Ban Nha với người khác sớm hơn so với khi tôi học tiếng Anh trước đây. Và tôi cũng thích quan điểm ở trên: điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là gì?
Hãy cứ làm thôi!
Bạn hãy bước chân ra và giao tiếp với mọi người. Nói chuyện với ai đó. Đó có thể là người mà đang muốn học ngôn ngữ mẹ đẻ của bạn và là người đã học ngôn ngữ mà bạn đang học, hay đó có thể là người bản xứ của ngôn ngữ bạn đang học (khi đó bạn sẽ cần mạnh dạn hơn để nói chuyện).
Kiên nhẫn
Là một người mới học ngoại ngữ, bạn thường e ngại hơn và bạn sẽ cảm thấy bất an – điều này là hoàn toàn bình thường. Bạn càng thực hành ngôn ngữ bạn đang học nhiều thì bạn sẽ ngày càng tiến bộ, vì thế bạn hãy chủ động và bắt đầu nói chuyện đi – bạn sẽ ổn cả thôi.
Hãy tự hào về những thành quả nho nhỏ
Sau khi đã nói và làm mọi điều ở trên và bạn cũng đã nói chuyện được một chút với người khác bằng ngôn ngữ bạn đang học – cho dù đó chỉ là một câu đơn giản bằng tiếng Tây Ban Nha như ‘Hola ¿cómo estás?’. Thì bạn cũng nên tự hào về thành quả nhỏ này. Bạn đã bước đi những bước đầu tiên trong hành trình đánh bại kẻ thù của ngôn ngữ – sự ngại ngùng.
Nếu bạn cũng là người hay bị ngại ngùng khi học ngoại ngữ. Hãy chia sẻ cách bạn vượt qua sự ngại ngùng đó. Hoặc nếu bạn chưa vượt qua được, hãy chia sẻ những ảnh hưởng lên việc học ngoại ngữ của bạn.